Phủ Quảng Cung di tích lịch sử văn hóa độc đáo ở Ý Yên

 Tượng Mẫu Phạm Thị Tiên Nga bằng đồng
tại Phủ Quảng Cung

 


Bia đá tại Phủ Quảng Cung

 

Hiện nay trong Phủ còn giữ lại được nhiều đồ tế tự tiêu biểu như: tượng Mẫu Phạm Thị Tiên Nga bằng đồng tạc năm 1770, với tư thế ngồi thiền trên tòa sen, bát hương bằng đồng, thân chạm lưỡng long chầu nguyệt mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê và khắc chữ Hán Quảng Cung linh từ; bát hương bằng đồng; 34 bản khắc gỗ có nội dung của 64 quẻ thẻ, một số hiện vật quý hiếm, một số bia đá, sắc phong hoành phi, câu đối ghi dấu sự tích và ca ngợi công đức của Mẫu. Theo các truyền thuyết và thư tịch hiện còn lưu giữ thì đây là nơi giáng sinh lần thứ nhất của Tiên chúa Liễu Hạnh –  một trong “tứ bất tử” của tín ngưỡng Việt Nam, một nhân vật văn hóa, vừa là thần như sắc phong, vừa là Thánh như dân gian phong, lại là Phật là Tiên như trong sự tích. Tiền thân của Mẫu là tiên nữ của Ngọc Hoàng đầu thai vào nhà họ Phạm từ năm Thiệu Bình thứ nhất (1434) đời vua Lê Thái Tông ở xã Vỉ Nhuế, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định (nay là thôn Vỉ Nhuế, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định). Bà tên là Phạm Tiên Nga, không lấy chồng mà ở vậy phụng dưỡng cha mẹ. Sau đó cha mẹ lần lượt qua đời, bà lập chùa đi tu, có công tu sửa chùa Chương Sơn (Ý Yên – Nam Định), chùa Long Sơn (Duy Tiên – Hà Nam), chùa Thiện Thành (Bình Lục – Hà Nam).  Năm 40 tuổi, bà qua đời, trở về thiên đình. Dân làng Vỉ Nhuế lập phủ thờ bà.
Hàng năm vào ngày 04 tháng 3 âm lịch diễn ra lễ hội truyền thống Phủ Quảng Cung (Phủ Nấp). Nơi thờ đệ nhất giáng sinh thánh mẫu Liễu Hạnh.
Vào ngày lễ hội, toàn cảnh Phủ Quảng Cung là một rừng người, rừng cờ, rừng hoa hòa quyện bao màu sắc, âm thanh thật linh thiêng nơi cửa Mẫu. Dòng người nối nhau với  nhạc thanh đồng, kèn, trống, kiệu hoa, kiệu võng, long đao, bát biểu, kiệu Mẫu, kiệu Thần, múa rồng, sư tử… dài gần 2km rước mẫu lên chùa Đồi.
Dòng người nô nức về quê Mẹ
Trống giục cờ hoa nối rợp trời
Thánh Mẫu nghiêng nghiêng lồng bóng kiệu
Muôn hồng ngàn tía ngát hương trời.

 


Lễ rước nước tại Phủ Quảng Cung

 

Tại Lễ hội Phủ Quảng Cung, dòng người rước Mẫu từ chùa Đồi về khu vực Mẫu Thoải bên dòng sông Đáy để tiến hành nghi lễ  “rước nước”. Hơn chục chiếc thuyền, phà chờ sẵn để đón kiệu Mẫu, kiệu Thần cùng các lãnh đạo, các nhà khoa học và nhân dân lên để thực hiện nghi lễ lấy nước và rước nước:
Gió lộng rồng bay rộn bến sông
Cao dầy lòng Mẫu chín tầng không
Thuyền thuyền lướt sóng say tình Mẹ
Nước phép đong đầy nghĩa mênh mông.

Nghi lễ rước nước diễn ra trang nghiêm, long trọng, và có ý nghĩa rất đặc biệt: Cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.
Mưa thuận gió hòa lúa tốt tươi
Trĩu bông, sai quả ngọt dâng đời
Dân an, quốc thái niềm vui lớn
Di tích quốc gia mãi rạng ngời.

Nhân dân phấn khởi vui lễ hội, những nén nhang thơm lòng thành kính dâng lên Quốc Mẫu (Mẫu Nghi Thiên Hạ). Cuối buổi chiều, ngày diễn ra Lễ hội đoàn rước Mẫu về Phủ Nấp đóng giá hồi cung.
Với Niềm tự hào và trách nhiệm tôn tạo, bảo vệ di tích lịch sử, một bẳn sắc văn hóa dân tộc, Lễ hội Phủ Quảng Cung giáo dục hướng tới giá trị cái đẹp chân – thiện – mỹ, động viên nhân dân sau lễ hội tích cực học tập, lao động, sản xuất xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp./.

Theo Báo Ý Yên

Ý Yên Online

Ý Yên Online kênh chia sẻ tin tức online, kinh nghiệm mua hàng online cho mọi người. Ủng hộ Ý Yên bằng cách chia sẻ bạn nhé ! Thanks You <3