Vị trí: Ý Yên nằm ở phía tây nam tỉnh Nam Định, phía bắc tiếp giáp tỉnh Hà Nam, phía tây giáp tỉnh Ninh Bình, phía đông giáp huyện Vụ Bản, phía nam giáp huyện Nghĩa Hưng. Toạ lạc giữa hai trung tâm kinh tế chính trị của tỉnh Nam Định và Ninh Bình, có tuyến quốc lộ 10, đường sắt xuyên Việt đi qua… Ý Yên hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để thông thương và thu hút đầu tư.
Diện tích: 241,23 km2
Dân số: 247718 người (2008)
Hành chính: Một thị trấn Lâm- và 31 xã: Yên Thọ, Yên Thành, Yên Trung, Yên Nghĩa, Yên Phương, Yên Tân, Yên Chính, Yên Phú, Yên Hưng, Yên Phong, Yên Bình, Yên Minh, Yên Dương, Yên Xá, Yên Hồng, Yên Quang, Yên Tiến, Yên Bằng, Yên Thắng, Yên Cường, Yên Đồng, Yên Mỹ, Yên Lợi, Yên Khánh, Yên Ninh, Yên Khang, Yên Lộc, Yên Phúc, Yên Trị, Yên Nhân, Yên Lương.
Lịch sử: Huyện Ý Yên ngày nay là phần đất quan trọng thuộc phủ Ứng Phong vào thế kỷ XII-XIII. Ý Yên khi đó được coi là khu vực phụ cận của cố đô Hoa Lư, đồng thời nằm trên đường thiên lý từ Hoa Lư ra Thăng Long nên được các vua Lý, Trần quan tâm phát triển nông nghiệp và xây dựng thành trung tâm Phật giáo. Thời Lý, trung tâm tôn giáo Chương Sơn với tháp Vạn Phong Thành Thiện trên núi Ngô Xá được xây dựng với quy mô to lớn vào bậc nhất nhì thời đó. Đờii Trần, Hoàng đế Trần Nhân Tông- đệ nhất thiền phái Trúc Lâm- đã cho dựng chùa Linh Quang, còn gọi là chùa trăm gian, tại xã Yên Khánh. Cũng vào thời Trần, cuối thế kỷ XIV, chùa Đô Quan, xã Yên Khang được xây dựng, chứng tích còn lại là bệ đá hình hộp hoa sen ở bái đường, một tác phẩm nghệ thuật tôn giáo đẹp và nguyên vẹn. Ý Yên là huyện giàu truyền thống cách mạng. 17/32 xã thị trấn được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Đặc điểm: Là vùng đất hình thành sớm trong vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, Ý Yên nằm ở vùng đất trũng hơn cả, địa hình không đồng đều (một số núi đất sót lại: núi Phượng Hoàng, Bảo Đài…) nên sản xuất nông nghiệp gặp những khó khăn nhất định. Ý Yên có nhiều làng nghề truyền thống qua hàng chục thế kỷ, nổi tiếng như: đúc đồng Tống Xá, mộc La Xuyên, sơn mài Cát Đằng… Sự tài hoa của bàn tay, khối óc nghệ nhân Ý Yên kết tinh lại trong các tác phẩm, công trình tôn giáo tín ngưỡng như đình Ruối, đình Cát Đằng, đình La Xuyên… Ý Yên còn là nơi tàng ẩn kho tàng văn hoá dân gian phong phú. Làng chèo cổ Yên Nhân với những làn điệu cất lên từ vùng quê “đồng trắng, nước trong” ca ngợi quê hương, tình làng nghĩa xóm đã có tác động không nhỏ trong đời sống cộng đồng cho tới tận ngày nay. Ý Yên là đất học, đất văn, quê hương của 18 tiến sỹ, Hoàng giáp, Phó bảng, tiêu biểu như tiến sỹ Khiếu Năng Tĩnh…
Làng nghề
- Có làng đúc đồng Vạn Điểm thuộc Thị Trấn Lâm.
- Có làng cơ khí đúc và làm trống cổ truyền Tống Xá thuộc xã Yên Xá.
- Có làng điêu khắc đồ gỗ mỹ nghệ La Xuyên và các làng bên: Ninh xá, Lũ Phong, Trịnh xá thuộc xã Yên Ninh.
- Làng nghề Sơn mài Cát Đằng thuộc xã Yên Tiến
- Làng Chuế Cầu
Khu điểm tham quan du lịch: làng nghề đúc đồng Tống Xá (xã Yên Xá), làng chạm khắc gỗ Ninh Xá, La Xuyên (xã Yên Ninh), làng nghề sơn mài Cát Đằng (xã Yên Tiến); đền Ninh Xá (xã Yên Ninh), đình Cát Đằng (xã Yên Tiến), đình La Xuyên (xã Yên Ninh), đình Ruối (xã Yên Nghĩa), đình chùa Đô Quan (xã Yên Khang); phủ Quảng Cung, đê sông Đáy, Quần thể di tích thờ Vua Đinh ở Nam Định với các di tích như đền Vua Đinh ở Yên Thắng, đình Thượng Đồng, đền Cộng Hòa ở xã Yên Tiến. Phủ Quảng Cung (Phủ Nấp) xã Yên Đồng- Thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh giáng sinh lần thứ nhất, Đình Cổ Hương, xã Yên Phương thờ thánh tổ Nguyễn Minh Không. Làng Tràn (Trần Xá), xã Yên Đồng.Cây cổ thụ Dã Hương hơn 500 tuổi, xã Yên Nhân. Hai cây gạo đại thụ hơn 200 tuổi tại Làng Đống Cao, xã Yên Lộc
Lễ hội tiêu biểu: hội làng Tống Xá (xã Yên Xá),hội làng La Xuyên(Ninh Xá) hội đền vua Đinh (thôn Dương Hồi, xã Yên Thắng, Lễ hội đình Tràn ngày 14-3 âm lịch
Hàng lưu niệm: Sản phẩm các làng nghề truyền thống đồ đồng, đồ gỗ mỹ nghệ, tranh sơn mài, các sản phẩm từ nứa…