Tiểu sử và cuộc đời cách mạng:
Tống Văn Trân sinh ra lớn lên vào giữa lúc đất nước bị đô hộ, nhân dân thì đói khổ lầm than và cũng là lúc nhiều phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp nổ ra bị đàn áp, có nơi bị đàn áp khốc liệt. Tình hình đó tác động sâu sắc đến tâm hồn Tống Văn Trân. Những tấm gương yêu nước tiêu biểu như cụ Phạm Văn Nghị, Lã Xuân Oai, Phạm Trung Thứ…ngay tại quê hương được cha mẹ kể cho nghe đã gây xúc động mạnh mẽ đến đồng chí.
Là một thanh niên ham học hỏi, sớm được ảnh hưởng tinh thần yêu nước, nên khi ra học ở Hà Nội, được sống trong hoàn cảnh mới, đồng chí đã tham gia ngay vào các phong trào đấu tranh sôi nổi. Ngoài giờ học ở trường đồng chí đã đến các thư viện tìm sách báo, tài liệu để học, để tìm hiểu các phong trào yêu nước đó. Đồng chí đã tham dự nhiều buổi nói chuyện về văn thơ yêu nước, về tình hình trong nước và thế giới. Nhờ vậy, ngay từ thời kỳ học ở Hà Nội Tống Văn Trân đã được biết về Lê-nin về nước Nga Xô Viết…Từ đó đã bắt đầu hình thành trong người thanh niên ấy niềm khát vọng lớn lao: Tìm đường cứu nước.
Năm 1924, tốt nghiệp trường Sư phạm, đồng chí được điều về dạy học ở quê nhà. Năm đầu, đồng chí dạy học ở thôn An Lộc Thượng (nay thuộc xã Yên Hồng), sau chuyển về làng Nguyễn (nay thuộc xã Yên Phong). Lớp học của thầy giáo Trân là một lớp ghép (lớp 1, lớp 2 và lớp 3), đồng chí cả chữ nho và chữ quốc ngữ. Khác với các thầy giáo đương thời chỉ coi việc gõ đầu trẻ làm phương tiện kiếm sống. Tống Văn Trân ấp ủ một hoài bảo là đào tạo các em để trở thành những người có học thức, có tình yêu quê hương, đất nước, giúp ích cho xã hội sau này. Ban đêm đồng chí còn mở lớp dạy chữ quốc ngữ cho người lớn.
Trong giảng dạy, thông qua các môn quốc văn, lịch sử, địa lý, đồng chí giúp học sinh thấy đựơc đất nước ta giàu đẹp, nhân dân ta có truyền thống chống giặc ngoại xâm bảo vệ nền độc lập. Từ đấy đồng chí gợi cho học sinh một tình cảm tốt đẹp đối với đất nước, quê hương. Đồng chí giảng dạy tận tình, chăm lo việc học tập của từng học sinh. Những học sinh nhà nghèo, đồng chí cho tiền mua giấy bút giúp các em và thường đến nhà thăm hỏi, động viên các em học tập. Học sinh rất quý mến đồng chí, ham học tập, mau tiến bộ và tu dưỡng đạo đức tốt. Nhiều người nghe thầy Trân đã đưa con đến xin thầy cho vào lớp học.
Ngoài giờ dạy học, ông thường tổ chức cho các em vui chơi, tập luyện thể dục thể thao. Ông chí thích học võ và trở thành một thanh nhiên giỏi võ nghệ trong huyện. Những đêm trăng sáng, tại sân đình làng Nguyễn đông vui, thanh niên trong thôn kéo đến như mở hội. Đồng chí Trân đã tổ chức cho học sinh lớn tuổi và thanh niên tập võ. Dần dần việc học võ ở đình làng Nguyễn trở thành phong trào của thanh niên cuốn hút nhiều tầng lớp nhân dân đến tập. Được về quê dậy học, đồng chí thường lui tới bạn bè, đồng nghiệp, những người có tâm huyết để tâm sự, học hỏi. Đồng chí đã đến cụ đồ Cấu ở An Lộc, ông giáo Lựu dạy học ở thôn Hoàng Đan, ông giáo Ry ở Văn Tiên… Đồng chí thường nêu những vấn đề thời cuộc ra đàm luận. năm 1925 – 1926, anh Đào Gia Lựu và đồng chí Tống Văn Trân đã trở thành đôi bạn tâm đắc. Trong câu chuyện, hai người thường đàm luận về phong trào yêu nước về tình hình thế giới và trong nước, vấn đề đấu tranh giành độc lập cho đất nước.
Đầu 1926 hai Người ra Nam Định dự lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh. Buổi lễ long trọng có đông đảo tri thức, công nhân, nông dân, nhân dân thành phố Nam Định và nhiều nơi trong tỉnh tới dự. Buổi lễ truy điệu đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm hồn của hai nhà giáo trẻ. Trở về làng Nguyễn, thầy Trân đã tổ chức cho học sinh làm lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh. Buổi lễ cũng được tổ chức trang trọng. Đồng chí Tống Văn Trân đã trình bày lại sự nghiệp hoạt động cao cả của cụ, qua đó khơi dậy tinh thần yêu nước cho học sinh. Buổi lễ có nhiều thanh niên, các bạn đồng nghiệp của đồng chí và nhân dân tới dự. Sau buổi lễ này, học sinh, nhân dân của huyện Phong Doanh – Ý Yên càng hiểu về đồng chí và quý mến đồng chí. Từ đấy nhiều bạn đồng nghiệp, thanh niên thường đến nơi dậy học của anh để đàm luận về tình hình xã hội, về con đường cứu nước, cứu dân của các bậc sỹ phu yêu nước đương thời.
Giữa năm 1927, tổ chức hội Việt Nam thanh niên cách mạng phát triển ở Nam Định, nhiều công nhân, thanh niên, học sinh có tinh thần yêu nước, được giác ngộ và đã gia nhập tổ chức. Anh Tống Văn Trân là một người thanh niên trí thức đầu tiên của Phong Doanh – Ý Yên được kết nạp vào hội Việt Nam cách mạng thanh niên– tổ chức tiền thân của Đảng cộng sản Việt Nam. Được giao nhiệm vụ để gây dựng phong trào cách mạng ở địa phương, đồng chí rất phấn khởi, hăng hái tuyên truyền, giới thiệu hội viên. Một số bạn đồng nghiệp và học sinh được đồng chí giác ngộ đã được vinh dự kết nạp vào tổ chức dưới sự lãnh đạo của tỉnh bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Nam Định và sự hoạt động tích cực của đồng chí Tống Văn Trân, chi bộ đầu tiên ở Phong Doanh được thành lập.
Tháng 4 năm 1928, kỳ bộ hội Việt Nam cách mạng thanh niên Bắc kỳ đã cử người về mở lớp huấn luyện cho cán bộ chủ chốt trong tỉnh. Đồng chí Tống Văn Trân đã được chọn đi dự lớp huấn luyện này. Để giữ bí mật, khi đi, đồng chí cho học trò nghỉ học với lý do thầy giáo ốm phải đi chữa bệnh một thời gian. Đồng chí rất phấn khởi tập trung học tập, nắm vững nội dung học tập của lớp huấn luyện và đồng chí được cử làm trợ giảng cho lớp huấn luyện tiếp theo. Hết đợt huấn luyện, đồng chí Tống Văn Trân được cử về quê hương hoạt động. Nhờ được học tập, hiểu biết sâu rộng hơn về chủ nghĩa Mác Lênin, về đường lối cách mạng, và phương pháp hoạt động, khi được phân công trở lại quê hương công tác, đồng chí Tống Văn Trân chú ý công tác bồi dưỡng cán bộ, hội viên ở cơ sở. Nhiều đồng chí được học tập và hăng hái tham gia hoạt động trong các tổ chức cách mạng.
Để chào mừng ngày quốc tế lao động năm 1928, Tống Văn Trân đã soạn thảo nội dung tuyên truyền in truyền đơn, bố trí cho anh em đưa đi rải truyền đơn trong huyện. Ông còn tổ chức treo cờ Đảng trên nóc miếu thổ thần xã Yên Phong. Nhờ sự cố gắng hoạt động với nhiều hình thức tuyên truyền thích hợp của chi bộ và của đồng chí Tống Văn Trân, nhiều thanh niên được giác ngộ, được kết nạp vào hội Việt Nam cách mạng thanh niên và tổ chức quần chúng cách mạng. Từ đó trở đi (1928) phong trào cách mạng ở Phong Doanh – Ý Yên phát triển mạnh ở nhiều nơi trong huyện. Trong thời gian này đồng chí Tống Văn Trân còn liên hệ được với cơ sở hội ở huyện Vụ Bản. Đồng chí Phan Hữu Thầm và cơ sở Vụ Bản đã phối hợp với đồng chí Tống Văn Trân hoạt động, mở rộng phạm vi tuyên truyền xây dựng thêm cơ sở mới. Trong đợt tuyên truyền 1/8/1928 ngày chống đế quốc chiến tranh, đồng chí Tống Văn Trân với đồng chí Phan Hữu Thầm… tổ chức rải truyền đơn tuyên truyền. Khi phân công, đồng chí Tống Văn Trân đã nhận rải truyền đơn ở phía đường Năng Tĩnh. Đồng chí Tài và đồng chí Thầm không muốn để đồng chí đi vì đồng chí Trân vừa mới hoạt động ở vùng đó về và đang bị địch lùng bắt. Nhưng Ông đã nói “ cứ để tao đi, chỗ nào khó khăn đáng đi thì tao đi”. Thực hiện kế hoạch đã định, đêm mùng 2 tháng 8 truyền đơn được đưa đi rải ở nhiều nơi. Đêm đó mưa rất to. Sáng hôm sau quần chúng kháo nhau : “ ồ hồm qua mưa sa xuống, mưa ra bao nhiêu giấy má nói là ta phải đánh Pháp, đuổi vua, ở đâu cũng nhiều ngan ngát”.
Ngày 19/6/1929 Tỉnh bộ Đông Dương cộng sản Đảng Nam Định thành lập, những hội viên tiên tiến nhất của Hội Việt Nam cách mạnh thanh niên đã được lựa chọn kết nạp vào Đảng. Tống Văn Trân là một trong những người ở Phong Doanh được kết nạp vào Đảng và được Tỉnh bộ Nam định phân công phụ trách phong trào tại huyện Ý Yên và Phong Doanh.
Trong sinh hoạt đồng chí thường ít nói nhưng rất hăng hái, táo bạo và chịu khó suy nghĩ để tìm hình thức hoạt động mới phù hợp. Đồng chí đã sáng tác nhiều bài thơ gợi nên nỗi khổ cực của nhân dân ta dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, nêu gương tinh thần chống giặc của các anh hùng dân tộc, những tấm gương dũng cảm dám đứng lên chiêu mộ quân sỹ khởi nghĩa chống Pháp của cụ Phạm Văn Nghị, Phạm Trung Thứ…Những bài thơ tuyên truyền đến nhân dân nhiều nơi trong huyện.
Sau ngày thành lập chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng ở huyện được ít lâu, Tống Văn Trân được điều lên công tác ở cơ quan tỉnh ủy. Ngày 20 tháng 10 năm 1929, Tống Văn Trân đang chuẩn bị bàn giao phong trào để đi nhận công tác mới thì bị địch bắt và đưa về giam ở nhà lao Nam Định.
Bọn mật thám ở Nam Định thay nhau tra tấn đồng chí. Chúng dùng mọi cực hình buộc đồng chí phải “Thú tội”, nhưng đồng chí đã kiên cường chịu đựng. Lúc bị đánh ngất đi , khi tỉnh dậy đồng chí vẫn bình thản và bằng những lý lẽ đanh thép làm cho chúng hoàn toàn thất bại. Sau những đợt tra tấn, địch lại nhốt đồng chí vào sà lim lạnh cóng. Mặc dù vậy, đồng chí vẫn lạc quan tin tưởng, vẫn ca hát, vẫn làm thơ, ngâm thơ. Một trong những bài thơ đồng chí sáng tác trong nhà lao Nam Định còn được lưu truyền đến nay là bài ngục trung huyết lệ thi. Bài thơ có đoạn :
… “Công nông hỡi đồng lòng đứng dậy
Tuốt gươm ra giành lấy chính quyền.
Dân cày cùng với thợ thuyền
Chiến công hợp lại cho liền một dây.
Đế quốc Pháp ra tay đạp đổ,
Phong kiến kia trừ bỏ chẳng tha,
Bao nhiêu chế độ xấu xa
Tiêu diệt cho hết mới là công nông”.
Trong nhà lao Nam Định ông rất thích hát quốc tế ca và bài ca Hắc Hải. Địch cấm không cho đồng chí hát nhưng đồng chí cứ hát. Tên cai ngục khi nghe thấy đồng chí hát, ngâm thơ là sai lính lôi ra đánh. Nhiều lần chúng còn xông vào tận xà lim đánh đồng chí. Địch còn dùng thủ đoạn nham hiểm hơn là cho lính về nhà bắt cha của đồng chí đưa về nhà lao Nam Định hành hạ nhằm uy hiếp tinh thần, buộc đồng chí phải khai báo. Nhưng chúng cũng không thể khuất phục nổi tinh thần chiến đấu và lập trường kiên định của đồng chí.
Ngày 16/1/1930 thực dân Pháp đưa Tống Văn Trân cùng 27 Đảng viên và quần chúng cách mạng ra xử tại tòa án Nam Định. Sáng hôm đó vừa bước ra khỏi xà lim, Tống Văn Trân dõng dạc đọc bài thơ Ngục trung huyết lệ thi và kêu gọi anh em hãy xiết chặt đội ngũ chiến đấu.
Trên đường từ nhà lao đến toà án,ông hát vang bài quốc tế ca và bài ca Hắc hải bằng cả tiếng Việt Nam và tiếng Pháp. Đồng chí hát, anh em theo cũng hát theo. Tiếng hát đã lôi cuốn đông đảo đồng bào Nam Định đến xem xử án. Đi đến chỗ có đông nhân dân, đồng chí Tống Văn Trân lại hát bài quốc tế ca bằng tiếng Việt Nam và đọc những bài thơ do đồng chí sáng tác nêu lên nỗi khổ cực của công nông trong xã hội lúc bấy giờ. Đoàn tù bị xiềng xích, chân vẫn bước đi theo nhịp hát. Tiếng hát của đồng chí Trân và các đồng chí trong đoàn đã cảm hóa được số binh lính đi áp giải. Bọn lính chẳng những không ngăn cản, mà còn im lặng bước đều theo nhịp hát của đoàn tù.
Trước vành móng ngựa, Tống Văn Trân và những đồng chí khác đã lớn tiếng tố cáo đế quốc Pháp, lên án chế độ xét xử vô nhân đạo của chúng và kiên quyết chống án. Tên chánh án thực dân SaPula vội vàng khép tội đồng chí Tống Văn Trân là : “Khuynh đảo chính phủ”. đồng chí đã hiên ngang trả lời : “ Tôi rất chán ghét chế độ giáo dục nhồi sọ hiện nay chỉ cốt đào tạo bọn nô lệ trung thành với thực dân Pháp. Tôi là Đảng viên cộng sản, tôi thấy chủ nghĩa cộng sản rất chân chính đem lại hạnh phúc cho nhân loại, nên tôi vui lòng theo để đánh đổ nhà nước chuyên chế của đế quốc phong kiến áp bức bóc lột công nông và nhân dân lao động, lập nên nhà nước công nông mới mưu được hạnh phúc chắc chắn cho công- nông- và nhân loại”.Khi đồng chí Tống Văn Trân bị kết án tử hình và 24 đồng chí khác bị kết án từ 1 năm đến khổ sai chung thân, tất cả anh em đều đứng lên hô vang khẩu hiệu “ Chống án bất công”, “ đả đảo đế quốc Pháp” “ ủng hộ liên bang Xô Viết”, “Đảng cộng sản Đông Dương muôn năm”.
Bị lính dẫn ra đến cửa toà án, trước đông đảo quần chúng, đồng chí Tống Văn Trân rút khăn đỏ trên cổ, vang lên vẫy gọi đồng bào rồi lại tiếp tục hát bài ca cách mạng.Ngày 16/1/1930 trở thành ngày có sự kiện chính trị ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần của nhân dân Nam Định. Đồng chí Lê Đức Thọ lúc ấy còn là học sinh đến xem xử án, rất xúc động, dã ghi nhớ mãi hình ảnh Tống Văn Trân trước quân thù. Đồng chí nói : “Thái độ của đồng chí Tống Văn Trân lúc ấy tác động đến tâm hồn của tôi rất mạnh, thật là một chiến sỹ cộng sản kiên cường”.
Ngày 26/3/1930 thực dân Pháp phải đưa thầy giáo Tống Văn Trân và những người cộng sản ở Nam Định lên tòa thượng thẩm ở Hà Nội xử lại. Thế là Tống Văn Trân lại có dịp tuyên truyền cách mạng, tố cáo tội ác của kẻ thù. Tinh thần yêu nước, bất khuất của Tống Văn Trân đã cảm hóa được cả một số lính và những luật sư bào chữa. Đồng thời cùng với sự đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân, phiên tòa phải kéo dài đến 3 ngày và tuyên giảm án cho Tống Văn Trân , từ án tù tử hình xuống án chung thân, rồi đầy đi Côn Đảo.
Thời gian ở Côn Đảo, Tống Văn Trân cùng những người cộng sản tiếp tục tuyên truyền cách mạng, vận động tù nhân đấu tranh mạnh. Thầy đã tham gia chi ủy trong chi bộ nhà tù. Năm 1934 Tống Văn Trân đã cùng 9 đồng chí được sự giúp đỡ của chi bộ nhà tù tổ chức vượt ngục thành công và trở về hoạt động trong phong trào cách mạng ở các tỉnh Nam Bộ.
Thời gian ở Nam Bộ, Tống Văn Trân lại vừa hoạt động cách mạng, vừa mở lớp dạy học ở xã Phước Mĩ, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Ban ngày dạy học, ban đêm mở lớp đào tạo cán bộ cách mạng. Nhờ có sự tham gia và hoạt động tích cực của Tống Văn Trân mà phong trào cách mạng ở Bến Tre được phục hồi. Đảng bộ tỉnh được củng cố.
Đầu năm 1935 xứ ủy Nam Kỳ điều Tống Văn Trân về công tác ở Sài Gòn. Đồng chí được bầu vào ban thường vụ xứ ủy Nam Kỳ và được giao nhiệm vụ trực tiếp phụ trách phong trảo ở Sài Gòn – Gia Định. Sau đại hội thứ nhất của Đảng năm 1935, thầy giáo Tống Văn Trân được trung ương giao nhiệm vụ củng cố lại đảng bộ miền Trung. Nhận nhiệm vụ mới,Tống Văn Trân phấn khởi ra miền Trung công tác. ở Trung Kỳ, thầy Tống Văn Trân đã cùng với các đồng chí cán bộ miền Trung tích cực hoạt động và đã mở nhiều lớp huấn luyện đào tạo cán bộ cách mạng. Thời kỳ này vì địch khủng bố gắt gao nên không thể họat động ban ngày. Mà đêm đêm ở cánh đồng Phổ Cường huyện Đức Phổ, các cán bộ miềm Trung nằm quây quần xung quang thầy Tống Văn Trân để nghe thầy giảng giải về chủ nghĩa Mác Lênin, về chủ trương đường lối của Đảng trong thời kỳ này, về phương pháp tổ chức quần chúng đấu tranh…
Sau đại hội đảng bộ Trung Kỳ, đồng chí Tống Văn Trân nhận chỉ thị về Sài gòn công tác. Về đến Sài Gòn thì Tống Văn Trân bị địch vây bắt đưa về nhà giam ở khám lớn Sài gòn. Bọn mật thám biết được Tống Văn Trân là tù chính trị vượt ngục, lại là cán bộ chủ chốt của Đảng nên chúng đã tra tấn cực kỳ dã man. Đồng chí Tống Văn Trân bị đich đánh đập chết đi sống lại nhiều lần, nhưng vẫn một mực không khai, vẫn dõng dạc tố cáo thực dân Pháp. Cuối cùng không lay chuyển được khí phách cách mạng kiên cường của Tống Văn Trân bọn cai ngục tiếp tục đánh đập. Tại khám lớn chúng dùng đủ các hình thức: đòn roi, đòn nước, điện…Bị địch tra tấn quá kiệt sức đồng chí đã hy sinh tại sở mật thám Sài Gòn.
Kể từ ngày mới được giác ngộ, tham gia hoạt động cho Đảng, cho cách mạng Tống Văn Trân đã đem hết trí tuệ, sức lực của mình để tuyên truyền, xây dựng phong trào cách mạng, xây dựng Đảng bộ Ý Yên, Phong Doanh; Đảng bộ tỉnh Bến Tre, Đảng bộ Sài Gòn,Đảng bộ Trung Kỳ…
Đồng chí hy sinh vào giữa tuổi 30, độ tuổi đang dồi dào sức sống và kinh nghiệm công tác. Cuộc đời chiến đấu cho cách mạng của đồng chí thật vô cùng trong sáng và dũng cảm. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí đã thể hiện đầy đủ ý nghĩa cao đẹp như những bài thơ tâm huyết mà đồng chí đã viết bằng máu của mình ngay những ngày đầu tham gia cách mạng và bị tù đầy:
Thân ta dù ccó thiệt thòi
Làm gương chiến đấu cho đời mai sau!
Nguồn: trường THPT Tống Văn Trân